BÀI TUYÊN TRUYỂN DINH DƯỠNG VÀ HOẠT ĐỘNG THỂ LỰC

Căn cứ kế hoạch số 265/KH-MNAD ngày 25 tháng 9 năm 2023 của trường Mầm non Ánh Dương về việc triển khai thực hiện công tác y tế trường học năm học 2023 – 2024;

Thời gian thực hiện: 22/02/2024.

Người thực hiện: Võ Minh Thanh Thảo – YTTH.

Hình thức tuyên truyền: Họp phụ huynh tại lớp Lá 1 trường Mầm non Ánh Dương.

Đối tượng tuyên truyền: Giáo viên và cha mẹ trẻ trường Mầm non Ánh Duong.

Kính thưa quý khách dự, quý cha mẹ trẻ và các cháu thân mến!

Như chúng ta biết dinh dưỡng là một nhu cầu cần thiết đối với trẻ mầm non. Hoạt động chăm sóc, tổ chức dinh dưỡng cho trẻ là nhiệm vụ trọng tâm đối với các trường mầm non trên cả nước.

Nói về dinh dưỡng thì có rất nhiều vấn đề để cùng nhau thảo luận, nhưng hôm nay nhà trường chú trọng đến 2 vấn đề dinh dưỡng đang là thực trạng dễ gặp nhất hiện nay. Đó là, trẻ thừa cân, béo phì và trẻ suy dinh dưỡng.

Đầu tiên, xin được nói về tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ.

  1. SUY DINH DƯỠNG
  2.   KHÁI NIỆM

           Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể.

  1.   NGUYÊN NHÂN

          – Chế độ ăn thiếu năng lượng, không đầy đủ các chất như: đạm, bột đường, chất béo, rau quả, vitamin..

– Do trẻ kén ăn hoặc trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng: sởi, tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm giun sán…

– Hoặc do môi trường sống quá nóng hoặc quá lạnh khiến năng lượng của trẻ tiêu hao nhiều.

III. HẬU QUẢ

– Làm các cơ quan giảm phát triển, bao gồm cả hệ xương.

– Trẻ phát triển chậm về thể chất: thấp còi, có nguy cơ suy dinh dưỡng ở tuổi dậy thì nặng hơn

– Trẻ phát triển chậm về trí tuệ: vận động lờ đờ, giao tiếp kém, ảnh hưởng đến học tập và tương lai sau này.

– Tăng nguy cơ mắc các bệnh: trẻ suy dinh dưỡng sức đề kháng sẽ yếu hơn so với trẻ bình thường, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng: tiêu chảy, viêm phổi.

– Ảnh hưởng đến tương lai của trẻ: trẻ thấp còi, kém thông minh, học tập kém.

  1.       CÁCH XỬ TRÍ

– Cho trẻ ăn nhiều món trong cùng một bữa.

– Tăng số lần ăn trong ngày cho trẻ, chia nhỏ từng bữa ăn.

– Cho trẻ ăn càng đặc càng tốt.

– Tăng thức ăn giàu năng lượng: thêm dầu mỡ vào thức ăn cho trẻ.

Bên cạnh đó, phải vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ, tẩy giun định kỳ, tạo không gian thoải mái khi ăn uống cho trẻ để trẻ có hứng thú hơn với bữa ăn.

Tiếp theo, tôi xin được nói về thừa cân, béo phì. Đây cũng là tình trạng rất đáng quan tâm (chúng ta sẽ nói về những vấn đề xoay quanh nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục cũng như dự phòng của tình trạng thừa cân, béo phì.

  1. THỪA CÂN, BÉO PHÌ   
  2. KHÁI NIỆM

Thừa cân, béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ do hậu quả của sự mất cân bằng năng lượng, có nghĩa là năng lượng đưa vào vượt quá năng lượng tiêu hao.

  1.       VÌ SAO TRẺ BỊ THỪA CÂN, BÉO PHÌ?

– Một là: Do mất cân bằng năng lượng ăn vào và tiêu hao. Chế độ ăn giàu năng lượng vượt quá nhu cầu, nhất là chất béo, tuy nhiên ăn nhiều chất đạm và bột đường cũng dễ bị thừa cân béo phì vì các chất này đưa vào cơ thể nếu dư thừa đều sẽ chuyển hóa thành chất béo dự trữ.

– Hai là: Do trẻ ít hoạt động thể lực. Trẻ thường dành thời gian cho hoạt động tĩnh như xem tivi, chơi điện từ, xem điện thoại…mà ít luyện tập thể dục thể thao. Một số nghiên cứu cho thấy những trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, trẻ nhẹ cân hoặc cân nặng lúc mới sinh quá cao…lớn lên dễ bị béo phì. Các nhà nghiên cứu khoa học cũng cho biết yếu tố di truyền về thừa cân béo phì thì chưa được chứng minh, tuy nhiên trong gia đình có cha mẹ thừa cân béo phì thì con cái có nguy cơ thừa cân béo phì cao.

– Ba là: Một số nguyên nhân khác gây thừa cân béo phì ở trẻ như thiếu ngủ dẫn đến tình trạng đói nhanh và thèm ăn, hoặc do lạm dụng một số thuốc dùng để tăng cân.

        III. HẬU QUẢ CỦA THỪA CÂN, BÉO PHÌ

– Trẻ bị thừa cân béo phì sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Béo phì ở trẻ em là yếu tố nguy cơ gây béo phì ở người lớn. Làm ảnh hưởng sức khỏe khi trưởng thành.

– Hậu quả của cân béo phì lên hệ cơ –xương- khớp: khiến trẻ đi lại chậm chạp hơn, các chứng bệnh ở những trẻ thừa cân phổ biến là vùng lưng, khớp háng, khớp gối khiến trẻ đau nhức, mỏi tay chân. Một số trường hợp nặng có thể bị cong vẹo cột sống, cong xương chày (là chân vòng kiềng hoặc chúng ta hay gọi là chân lư).

– Các vấn đề về da: trẻ bị hâm do có sự cọ xát giữa quần áo và da. Nghiêm trọng hơn nữa là nhiễm nấm Candida (nổi những đốm đỏ, hoặc trắng trên da, những đốm này gây ngứa, rát và đôi khi bị sưng lên) tại những ngấn thịt ở vùng ngực, đùi và bụng.

– Các vấn đề về hô hấp:

+ Làm giảm chức năng hô hấp do mỡ tích tụ ở cơ hoành, làm cơ hoành hoạt động kém uyển chuyển, sự thông khí giảm.

+ Tình trạng khó thở ở những trẻ béo phì khi tham gia luyện tập thể tao

+ Rối loạn hô hấp trong giấc ngủ, dễ gặp đó là tình trạng ngủ ngáy ở trẻ.

– Các vấn đề về tim mạch:

+ Béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch khi trưởng thành.

+ Có thể gây tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp khi trưởng thành.

+ Rối loạn chuyển hóa lipit máu

– Béo phì và bệnh đường tiêu hóa: làm tăng nguy cơ bị sỏi mật ở mọi lứa tuổi lên gấp 3- 4 lần.

– Các vấn đề về nội tiết và chuyển hóa: Đái tháo đường.

Bên cạnh đó, trẻ béo phì thường chậm chạp, vụng về, hay bị bạn bè trêu chọc, ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập, mất thoải mái trong cuộc sống.

  1. CÁCH XỬ TRÍ TRƯỜNG HỢP TRẺ THỪA CÂN, BÉO PHÌ
  2. CHẾ ĐỘ ĂN CHO TRẺ

– Uống sữa không đường hoặc ít đường. Nên uống sữa ít béo, giàu canxi.

– Không cho trẻ ăn nhiều quá, lượng thức ăn mỗi ngày phải phù hợp với lứa tuổi.

– Phân bố hợp lí giữa các bữa ăn trong ngày: ăn nhiều vào bữa sáng, bữa trưa, ăn ít vào bữa chiều và tối.

– Cho trẻ ăn đủ các bữa trong ngày, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói hoặc ăn quá no.

– Thời gian cho 1 bữa ăn khoảng 20-30 phút.

– Hạn chế các món chiên, xào, nên cho trẻ ăn những món kho, hấp, luộc hoặc canh.

– Tập bé ăn thức ăn không quá nhừ, ăn nhiều rau xanh.

– Hạn chế uống nước ngọt có ga và thức uống có nhiều đường.

– Hạn chế ăn đồ ngọt, váng sữa, đồ ăn nhanh.

– Không dự trữ trong nhà các đồ ăn nhiều chất béo như bơ, bánh kẹo, socola, kem.

  1. CHẾ ĐỘ VẬN ĐỘNG

– Cha mẹ cần quan tâm, tạo mọi điều kiện để giúp trẻ năng động và tích cực hoạt động thể lực như đi bộ, leo cầu thang, chơi với em nhỏ…

– Tập thể lực cho trẻ hoạt động hàng ngày như: chạy, đá bóng, đạp xe và bơi. Cha mẹ nên tập cùng trẻ để theo dõi và khuyến khích trẻ.

– Hạn chế xem tivi và các trò chơi điện tử (dưới 2 giờ/ngày). Cần cho trẻ chơi đùa và chạy nhảy trong thời gian rảnh rỗi.

– Hướng dẫn cho trẻ làm các công việc nhà như: dọn dẹp nhà cửa, góc đồ chơi của trẻ và gấp quần áo.

  1. CHẾ ĐỘ THUỐC

Hiện nay không có khuyến khích sử dụng thuốc điều trị béo phì cho trẻ em.

  1. CÁC PHƯƠNG ÁN DỰ PHÒNG THỪA CÂN, BÉO PHÌ Ở TRẺ

– Chủ yếu là chế độ dinh dưỡng hợp lí và tăng cường thể lực.

– Khẩu phần ăn đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm cho trẻ: Chất bột đường  (gạo, bánh mì, nui, bún, khoai lang…), chất béo (dầu, mỡ, bơ..), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua…), khoáng chất và vitamin.. Khuyến khích trẻ ăn rau, hạn chế thức ăn có nhiều đường.

– Đối với những trẻ có nguy cơ thừa cân, béo phì hoặc đang thừa cân thì nên giảm lượng chất béo và đường, ví dụ như hạn chế cho trẻ ăn bánh, kẹo, nước ngọt có ga, những thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ (bò viên, cá viên chiên..v.v…). cho trẻ uống sữa ít đường hoặc không đường để hạn chế lượng đường và chất béo vào cơ thể, nên lựa chọn sữa ít béo và giàu canxi.

– Về phía Nhà trường thì đã có xây dựng chương trình sữa học đường và bữa ăn học đường cho trẻ nhằm đảm bảo cân bằng dinh dưỡng khi ở trường. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng cần phối hợp với phụ huynh để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, đó là sau khi tan học ở trường về, phụ huynh cũng phải cho trẻ bữa ăn đầy đủ các chất: có đủ thịt, cá hoặc trứng, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau, món canh hoặc luộc, cũng có thể ăn đồ chiên nhưng với số lượng ít, 1 tuần có thể cho trẻ ăn 1 hoặc 2 lần đế làm đa dạng bữa ăn cho trẻ.

– Tăng cường vận động thể lực phù hợp với lứa tuổi như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy nhảy, bơi lội..hạn chế xem tivi, xem điện thoại

– Tập thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc, không thức quá khuya.

Đối với các bậc cha mẹ, thì con mình thừa hay thiếu chất, suy dinh dưỡng hay thừa cân béo phì đều đáng lo ngại. Vì thế chúng ta cần cân nhắc và tính toán để xây dựng những bữa ăn khoa học, hợp lí cho trẻ, nắm rõ những loại thực phẩm thiết yếu có lợi cho trẻ trong từng giai đoạn là vô cùng cần thiết, làm sao để sự phát triển của trẻ bình thường theo biểu đồ tăng trưởng, trẻ không bị béo phì hay suy dinh dưỡng thì việc lựa chọn thực phẩm hàng ngày chiếm một vị thế rất quan trọng.

            LỜI KHUYÊN DINH DƯỠNG

Nguồn thực phẩm trong tự nhiên là vô cùng đa dạng và phong phú, vì thế khi chế biến một bữa ăn cho trẻ chúng ta cần phối hợp nhiều loại thực phẩm.

– Lượng thức ăn phải phù hợp với lứa tuổi

– Không lặp lại món ăn nhiều lần trong tuần.

– Cho ăn kết hợp nhiều loại thưc phẩm trong một bữa ăn để tránh tình trạng thừa và thiếu chất.

– Phân bố các bữa ăn hợp lí: ăn nhiều vào sáng và trưa, ăn ít lại vào chiều và tối.

– Hạn chế ăn các món chiên, xào vì những món này khiến trẻ dễ bị ngán.

– Cố gắng cho trẻ ăn nhiều rau quả bằng cách thái nhỏ rau quả, làm các món ăn trẻ thích, động viên, khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây tươi, tạo không gian thoải mái cho trẻ khi ăn.

Đa số trong chúng ta cũng đã biết thực phẩm được chia làm 4 nhóm:

         * Nhóm thực phẩm giàu bột đường (glucid): khoai lang, nui, bánh mì…

– Vai trò:

+ Cung cấp năng lượng, chiếm khoảng 60 đến 65% tổng năng lượng khẩu phần.

+ Hỗ trợ phát triển não bộ và hệ thần kinh của trẻ.

+ Điều hòa hoạt động của trẻ.

+ Cấu tạo nên các tế bào và mô trong cơ thể.

– Những thực phẩm chứa nhiều bột đường mà chúng ta có thể cung cấp cho trẻ như: Từ gạo có thể làm bánh ướt, bún, miến gạo. Từ nếp thì có thể nấu xôi, bánh tét, nấu chè.

* Nhóm thực phẩm giàu chất đạm: có vai trò vận chuyển các chất trong cơ thể, tạo kháng thể giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

– Thực phẩm có thể cung cấp là thịt, cá, tôm cua. Ngoài ra còn có nhiều trong các loại đậu (đậu nành, đậu xanh…)

* Nhóm thực phẩm giàu chất béo (lipit): có vai trò dự trữ năng lượng. Giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A,D,E. Giúp phát triển tế bào não và hệ thần kinh của trẻ.

– Thực phẩm có thể cung cấp: chất béo từ động vật (mỡ lợn, gà, vịt, cá..), chất béo từ thực vật ( dầu olive, dầu hạnh nhân, dầu đậu nành..)

           * Nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: rau củ, hoa quả tươi..

– Rau quả có màu vàng chứa nhiều vita C tốt cho thị lực, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa các bệnh tim mạch ( đu đủ, cam, chanh dây, xoài chín, bí đỏ…).

– Rau quả có màu đỏ tăng cường trí nhớ, phòng nguy cơ lão hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, lợi tiểu (dưa hấu, dâu tây, cà chua…).

– Rau quả màu xanh là nguồn cung cấp nhiều vita C, chống oxi hóa, thải độc cho cơ thể, mang lại nhiều lợi ích cho gan (những thực phẩm có thẻ cung cấp, màu xanh là màu đặc trưng của rau củ quả nên cũng dễ thấy: mùng tơi, rau ngót, rau má, quả ổi, quả táo, kiwi…).

– Rau quả có màu tím giảm nguy cơ ung thư, tốt cho hệ tiêu hóa, tim mạch, trí não và xương khớp (hành tím, cà tím, bắp cải tím, nho, việt quất…).

– Rau quả có màu trắng giúp cân bằng tâm trạng, hạn chế sự cáu gắt của trẻ (nấm kim chi, nấm rơm, cải trắng, lê…).

Bên cạnh việc cung cấp thức ăn dinh dưỡng thì phụ huynh nên chú trọng đến việc an toàn vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm nhằm tránh tình trạng lây lan các bệnh nhiễm trùng qua đường tiêu hóa và đường hô hấp như là: tay- chân- miệng, tiêu chảy…vì khi mắc phải các bệnh nhiễm trùng thì trẻ có nhiều khả năng giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng (mà đã suy dinh dưỡng thì rất khó phục hồi) vệ sinh cá nhân và VSATTP bằng cách là thường xuyên tắm gội cho con, tập cho trẻ thói quen rửa tay trước, sau khi ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh và rửa tay khi nào cảm thấy tay mình bẩn. Phụ huynh và người chế biến thức ăn cho trẻ cũng vậy, thường xuyên rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn. Cha mẹ nên kiểm tra, theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ để biết được sự phát triển của con em mình đã bình thường chưa. Và kịp thời điều trị nếu nhận thấy trẻ gặp các vấn đề nguy cơ.

         *  LỜI KHUYÊN CHO TRẺ SDD

Chế độ ăn cân đối hợp lý phối hợp nhiều loại thực phẩm, nên chia nhỏ bữa để trẻ ăn được nhiều hơn và chế biến mềm nhừ để dễ hấp thu.

Bữa ăn phải cân đối giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao.

Phấn đấu bữa ǎn nào cũng có đủ 4 món cân đối. Ngoài cơm (cung cấp nǎng lượng), cần có đủ 3 món nữa là: rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo) và canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung , luân phiên thay đổi món ăn giúp trẻ ngon miệng, chǎm sóc về tâm lý, tình cảm và chǎm sóc về vệ sinh vấn đề chủ quan của phần đông người lớn. Dùng nguồn nước sạch, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay trước khi ǎn và sau khi đi đại tiểu tiện. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm, thức ǎn không là nguồn gây bệnh.

* LỜI KHUYÊN CHO TRẺ THỪA CÂN, BÉO PHÌ

– Không cho trẻ ăn quá nhiều, lượng thức ăn phải phù hợp với lứa tuổi.

– Phân bố hợp lí các bữa ăn: ăn nhiều vào bữa sáng, trưa và ăn ít vào chiều, xế.

– Cho trẻ ăn đủ bữa, không để trẻ quá no hoặc quá đói.

– Hạn chế các món chiên, xào nhiều dầu mỡ.

– Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ ngọt và nước ngọt có ga.

– Cho trẻ tham gia những hoạt động hàng ngày trong gia đình ( quét nhà, dẹp đồ chơi, chơi đùa với em nhỏ) và các hoạt động thể thao vừa sức ( đi bộ, đá bóng, bơi lội, leo cầu thang…).

– Ngoài ra, cần theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao nhằm phát hiện sớm tình trạng thừa cân ở trẻ. Để kịp thời điểu chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt hợp lí cho trẻ.

Người thực hiện: Võ Minh Thanh Thảo – YTTH Trường Mầm non Ánh Dương